VỆ SINH MÁY XAY CÀ PHÊ? KHI NÀO CẦN?
Trước khi trả lời câu hỏi này, ta cần tìm hiểu lý do barista cần có lịch định kì vệ sinh và bảo trì máy xay:
1. Sau một thời gian vận hành, bột mịn café sẽ bám vào các ngóc ngách trong hộc máy xay. Bột mịn có thể sẽ làm nóng motor, làm cho lưỡi xay cắt sẽ không còn chính xác. Không bảo dưỡng định kì, sẽ giảm tuổi thọ của motor và lưỡi xay đắt tiền của bạn.
2. Dầu từ hạt café (bất kể thang độ rang) sẽ bám và bên trong lưỡi xay và hộc máy. Dầu sẽ bị ôi và làm ảnh hưởng đến hương vị của hạt.
3. Nếu xay cà phê với số lượng lớn hay hạt rất cứng, lưỡi xay cần được kiểm tra và cân chỉnh lại định kì.
Chính vì vậy vệ sinh và kiểm tra máy xay định kì là việc bắt buộc phải làm, để đảm bảo tuổi thọ của máy và chất lượng bột cà phê.
VẬY, TẦN SUẤT VỆ SINH MÁY XAY BAO LÂU LÀ PHÙ HỢP?
Trừ khi máy xay gặp phải trục trặc, việc vệ sinh thường xuyên liên tục là tốn rất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến vận hành, nhưng chất lượng cà phê không cải thiện được bao nhiêu, thậm chí còn có thể dở đi. Tại sao lại có khả năng “dở” đi? Bạn có bao giờ thấy xe máy của mình sau khi đại tu, lại đột ngột chạy mạnh hơn hẳn, sau đó từ từ trở về trạng thái bình thường như trước không? Máy xay cũng như vậy, việc vệ sinh khiến máy đột ngột khác đi, trở nên lệch đi so với công thức có sẵn đã test với máy espresso, dẫn đến vài shot đầu bạn sẽ không dùng được và sẽ làm tốn thêm cà phê để máy chạy roda.
Đương nhiên, nói vậy không có nghĩa chúng ta cứ để yên cho máy vận hành mà không bảo trì, vì máy sẽ xuất hiện các lỗi như đã đề cập ở đầu bài viết. Tuy nhiên thay vì liên tục tháo máy ra tổng vệ sinh, chúng ta cần xác định tần suất phù hợp dựa trên: tổng mức tiêu thụ, hay số lần xay hàng tháng, mà ở ngưỡng đó, café bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, từ đó có lịch vệ sinh định kì máy xay.
Tóm lại, nên để máy xay và lưỡi xay ở một tình trạng, gọi nôm na là “cân bằng” không quá dơ hay quá sạch, có lịch vệ sinh định kì (không ngẫu hứng) và có profile chiết xuất café riêng cho những shot đầu, khi mới vệ sinh xong.